Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện một số Ban Đảng Trung ương; các đồng chí trợ lý, thư ký Tổng Bí thư, các chuyên gia kinh tế. Về phía Ban Chính sách, chiến lược Trung ương có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban; Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực; Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban; Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Phó Trưởng Ban; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan, Phó Trưởng Ban; cùng các đồng chí lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tham gia ý kiến
Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là năm rất quan trọng đánh giá việc thực hiện mục tiêu Đại hội XIII đã đặt ra, từ đó có cơ sở để đề ra mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đồng chí nêu rõ, liên quan đến phát triển kinh tế xã hội nước ta hiện nay nhiều vấn đề khó, chưa có tiền lệ, cần phải rà soát lại xem vấn đề ở đâu, yêu cầu giải quyết, thực hiện như thế nào. Đồng chí nêu hai vấn đề rất cấp bách hiện nay: một là về mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2025 và cho giai đoạn 5-10 năm tiếp theo; hai là quản lý tiền kỹ thuật số.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương báo cáo Tổng Bí thư
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư về một số nội dung được gợi ý. Vấn đề thứ nhất về mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2025 ở mức từ 8% trở lên và cho giai đoạn 5-10 năm tiếp theo ở mức “2 con số”, trên cơ sở nghiên cứu quá trình tăng trưởng của Việt Nam qua 40 năm đổi mới, đánh giá những điều kiện và khả năng tăng trưởng trong thời gian tới, đồng chí thay mặt Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho rằng các mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 đặt ra là rất thách thức nhưng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này với việc phải bảo đảm được một số điều kiện nhất định. Đồng thời, đồng chí đề xuất những giải pháp chiến lược cần tập trung thực hiện để đạt được mục tiêu đó; kèm theo đó là nhận diện, đánh giá các rủi ro có thể gặp phải và cách thức quản trị tốt các rủi ro này. Vấn đề thứ hai liên quan tới quản lý đồng tiền kỹ thuật số, theo đồng chí Trần Lưu Quang, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa phát hành đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương, trong khi các đồng tiền kỹ thuật số khác mặc dù chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một loại tiền tệ nhưng đang được người Việt Nam sở hữu, đầu tư và giao dịch rất lớn, chủ yếu thông qua các sàn giao dịch nước ngoài. Đồng chí cho rằng cần thiết phải sớm có khung pháp lý quản lý việc giao dịch loại tài sản này.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia ý kiến
Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá cao nội dung báo cáo của Ban Chính sách, chiến lược Trung ương. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những quan điểm và nhận định của mình về hai vấn đề mà đồng chí Tổng Bí thư đã đặt ra. Hầu hết các đại biểu đều nhận định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên là có nhiều thách thức. Các đại biểu cũng cho rằng năm 2025 là năm Việt Nam cần chuẩn bị nền tảng cho những mục tiêu cao tiếp theo, phù hợp với xu hướng mới với một số giải pháp như: Đột phá về KHCN, chuyển đổi số; đổi mới quản trị quốc gia; thực hiện thành công cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia ý kiến
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cơ bản nhất trí với “10 giải pháp chiến lược” mà Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã nêu ra. Đồng chí Tổng Bí thư cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, hữu ích của các đại biểu, các chuyên gia kinh tế nhằm giúp Đảng, Chính phủ đưa ra những quyết sách để đạt mục tiêu phát triển bền vững với mức 8% cho năm 2025 và hai con số cho những năm tiếp theo. Đồng chí cho rằng cần đẩy mạnh tháo gỡ rào cản, nút thắt điểm nghẽn để kinh tế phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các đơn vị liên quan, tiếp thu những ý kiến đóng góp để xây dựng nội dung Nghị quyết mới trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành về kinh tế tư nhân trong quý II năm 2025 như một động năng mới để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu ý kiến
Thay mặt Lãnh đạo Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban trân trọng cảm ơn những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, những ý kiến trao đổi của các đồng chí lãnh đạo và của các chuyên gia kinh tế. Đồng chí nêu rõ, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương sẽ lĩnh hội, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện những ý kiến tại buổi làm việc hôm nay để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Ban.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Phó Trưởng Ban phát biểu chào mừng
Đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Văn phòng Ban